Lý do bàn phím phải là QWERTY mà không phải ABCDEF

   Một số ngôn ngữ có các biến thể như tiếng Pháp sử dụng bảng AZERTY, Đức là QWERTZ và tiếng Ý QZERTY. Tuy nhiên, QWERTY vẫn là bảng được dùng rộng rãi nhất trong tiếng Anh.

   Quay ngược thời gian trở về khoảng 150 năm trước, thời điểm mà thư tín, giấy tờ kinh doanh đều được viết bằng tay. Thế hệ trước chúng ta đã ghi chép bằng cách dùng bút nhúng mực để viết thủ công. Mỗi lần như vậy chỉ viết được 1-2 chữ, rất chậm và văn bản viết xong không quá đẹp mắt.

   Sau đó, những nhà phát minh đại tài đã chế tạo nên loại máy để gõ. Máy đánh chữ đầu tiên là cỗ máy kim loại rất to, cơ chế hoạt động hơi giống đàn piano.

   Bạn đã bao giờ nhìn thấy bên trong một cây đàn piano thực sự? Hiểu một cách cơ bản nhất, khi tay ta tác động một lực đè phím đàn xuống, bên trong trục đứng sẽ được đuôi đòn bẩy đẩy lên khiến búa gõ vào dây đàn và tạo ra âm thanh.

   Máy đánh chữ ban đầu cũng tương tự. Mỗi chữ cái làm bằng kim loại sẽ được bố trí đòn bẩy tương ứng. Bạn phải nhấn vào phím chữ cái lực đủ mạnh để làm cho cần gạt kim loại này nâng lên và chạm vào tờ giấy. Nhấn phím A, cần gạt A chạm vào giấy và gõ ra chữ A. Sau đó, giấy sẽ được dịch một chút sang trái để phím tiếp theo chạm vào vị trí ngay bên cạnh chữ A vừa rồi. Tương tự như thế cho đến khi ta nhập xong một chữ, một quyển sách.

   Máy đánh đầu tiên được chế tạo với các phím chữ theo thứ tự bảng chữ cái. Vấn đề xuất hiện từ đây: Nếu bạn gõ nhanh hai phím, đòn bẩy có thể bị kẹt, đặc biệt khi ta gõ hai phím gần nhau trên bàn phím. Để giảm thiểu tình trạng này, người ta quyết định sắp xếp lại vị trí các chữ cái.

   Christopher Sholes là nhà phát minh người Mỹ thành công nhất trong việc khắc phục rắc rối này. Ông đã thử qua nhiều cách sắp xếp khác nhau, kết quả là phiên bản sắp xếp tốt nhất của gần giống bàn phím QWERTY ngày nay.

-->